top of page
  • Writer's pictureHoàng Nga

Mun và xe cứu hộ màu hồng - Life is an adventure


Một chuyến đi chơi trong ngày của nhà Mun xuống Nala garden thăm chú Kiên biến thành một cuộc phiêu lưu. Hai mẹ con đi từ sáng sớm và đã có một ngày thật vui cho đến khi một điều bất ngờ đến trên đường về.


Cả ngày trên vườn của Mun là trải nghiệm được sống trên những ngọn cây, ngồi dưới bóng tre xào xạc gió lùa, bên bờ suối nước lững lờ chảy qua những vách đá. Xe đạp hồng của Mun nằm trong tắc đỏ của mẹ cũng được sử dụng tối đa trên những lối đi lát những viên gạch cổ ngoắt ngoéo trong khu vườn phủ đầy bóng cây. Mun cũng hái các loại hoa dại nhiều sắc màu, gói trong chiếc lá dong cho khỏi héo để đem về Hà Nội cắm.


Lên xe đi về là Mun ngủ ngất luôn không nói câu nào. Đi qua ruộng lúa là lúc mẹ thấy xe ì lại, nhấn ga cũng không thể tăng số tăng tốc được, mẹ thầm nghĩ 'em tắc đỏ ơi, em ốm rồi' và xe dừng lại bên ruộng lúa không đi được nữa. Mẹ gọi xe cứu hộ, phải đợi một giờ xe mới đến. Xế chiều những ngày đầu tháng 7 vẫn còn nóng lắm, mẹ đợi Mun tỉnh dậy, má vẫn còn vương hơi lạnh điều hoà mà cổ đã nóng rực mồ hôi. Hai mẹ con dắt nhau đi bộ dọc ruộng lúa, mới tháng trước đi qua còn trĩu nặng bông và thơm mát mùi lúa chín, giờ đã cấy mạ xanh rì.



FLOW: dường như có một mạch chảy xuyên suốt trong trải nghiệm của các bạn nhỏ. Người lớn thường quên mất chúng ta đã từng 'say sưa quên trời đất' hay 'quên thời gian' thế nào trong một mạch trải nghiệm khi còn thơ bé. Chúng ta đã từng hoặc là chơi không ngừng hoặc đọc truyện không thể dứt. Tâm trí của chúng ta thường bị ngắt quãng vì đan xen quá nhiều mục tiêu, quá nhiều việc phải hoàn thành, quá nhiều mối bận tâm, lo lắng. Và đến lúc cần phải tập trung làm một việc, thường là người lớn cần 'vận công' để có được sự tập trung và tìm lại mạch chảy này.


Với các bạn bé, sự trải nghiệm của các bạn như một dòng chảy xuyên suốt, việc gì đến là đến, và các bạn vẫn giữ được mạch bên trong đó trong nhiều hoàn cảnh, nếu như không bị người lớn làm ngắt quãng.


Và sự thật là từ khi con nhỏ, người lớn thường làm ngắt mạch này của các bạn nhỏ một cách thô bạo: con đang vào mạch đọc hay học thì bắt đứng lên đi tắm.. con đang làm thủ công hay sáng tạo trong trò chơi thì bắt dọn dẹp đồ chơi ngay, con đang say sưa tạo dựng một ngôi nhà tưởng tượng từ đám chăn gối hay đệm sofa thì bị quát và bắt tháo ra để dọn cho gọn.. Rất nhiều việc chúng ta đã làm, và dần dần theo thời gian, mạch chảy của các con bị ngắt đoạn, và khi lớn dần lên các con không tìm lại được sự tập trung như mình muốn có, không còn cảm giác say mê quên thời gian đó.. Vì mạch chảy FLOW thực sự đem lại nguồn năng lượng sống đến từ bên trong cho mỗi người và chúng ta cần nhận ra tầm quan trọng của nó.


Rời khỏi giấc ngủ một cách tự nhiên, hai mẹ con ra khỏi xe, đi men theo ruộng lúa và tìm đến một cửa hàng tạp hoá xin ngồi nhờ để đợi xe. Mun bắt đầu háo hức ngắm nghía xung quanh, và khi nghe mẹ nói sẽ có xe đến cứu hộ em tắc đỏ, Mun yên tâm uống nước và ngồi đợi, và chơi với một em bé từ hàng xóm sang. Trong Mun bắt đầu hiện ra hình ảnh xe cứu hộ và Mun nói với mẹ là 'con chưa được đi xe cứu hộ bao giờ'. Mẹ cười và thầm nghĩ 'Me too! Chẳng bao giờ mẹ mong đến trạng thái này, thế mà em lại thấy như cuộc phiêu lưu bây giờ mới thực sự bắt đầu'.



'AAAHHHH xe cứu hộ màu hồng!!!!!!!!'

Đó là tiếng reo vang của con gái tôi khi thấy chiếc xe cứu hộ phóng vọt qua để tìm chỗ quay đầu. Và hãy nhìn ánh mắt lấp lánh, chân nhảy chân sáo, nghe tiếng bạn ríu rít gọi xe và cảm được sự háo hức của bạn khi kéo mẹ chạy ra..


WOW: Trạng thái ngạc nhiên với những trải nghiệm mới của trẻ con thật thú vị khi ta quan sát các con. Rất thường xuyên ta có thể quan sát tiếng reo vui hay ánh mắt tròn xoe của các em bé, đầy háo hức và đầy hứng khởi với những trải nghiệm lần đầu có trong đời. Và nếu có thể nhìn lại một quãng đời lúc thơ bé của các con, đó là trạng thái lần đầu được mút miếng thịt hay bóp nát miếng dưa hấu khi các con 6 tháng tuổi, hay lần đầu thấy con bướm bay chấp chơi trên bông hoa khi con chập chững đi ngoài công viên, hay lần đầu được lội vào dòng nước suối mát lạnh trong một chuyến đi xa cùng bố mẹ cho dù con đã lớn..


Và chẳng phải người lớn chúng mình cũng thèm có nhiều lần wow như vậy trong đời sống và công việc, chúng ta đi tìm những điều mới lạ, những trải nghiệm khác với 'trạng thái bình thường' và thích quay lại những nơi hay những con người có thể cho ta cảm giác mạnh mẽ của sự WOW đó..


Và nếu bố mẹ thấy tầm quan trọng của những trải nghiệm mới sẽ ghi dấu ấn về cảm xúc tích cực, tạo sự tò mò khám phá, và kích thích các con bước ra khỏi vùng an toàn, để bước vào vùng học tập, thì chúng ta sẽ không muốn 'tước đi trải nghiệm của con' bằng cách đưa ra quá nhiều cảnh báo về rủi ro trước khi con bắt đầu một trải nghiệm mới, hay là báo trước cho con kết quả xấu để ngăn con ' không nghịch nữa', hoặc chỉ cho con cách làm của mình để con 'không làm hỏng', hay làm hộ con để kết quả được 'như ý muốn'.. Chúng ta phải làm rất nhiều lần mới có thể có được các kết quả như ngày nay, và chúng ta cũng quên mất những ngày đầu mình đã háo hức thế nào khi được làm một việc mà chưa từng được làm, và cũng lập cập thế nào ở những lần làm đầu tiên.


Làm những việc trên, chúng ta tước đi trải nghiệm và cái WOW của con, như kiểu cho con xem một bộ phim rồi lại nói cho con biết trước hồi kết.

Mun hồi hộp khi được mẹ nhấc lên chiếc xe cứu hộ cao ngất và ngồi gọn trên ghế, liên tục ngắm xe dưới đường, thấy đường như to hơn, và giật mình thon thót khi thấy chú lái xe cứu hộ đi như kiểu sắp đâm vào các xe bên dưới đến nơi. Mun ngắm 4 chiếc gương to đùng ở hai bên xe, ríu rít khi thấy quang cảnh đồng lúa và những rặng núi như to hơn bình thường, vì ngồi trên xe mẹ thì tầm nhìn thấp hơn nhiều. Và Mun quay ra nói chuyện với bạn tắc đỏ đang ngồi yên trên lưng xe cứu hộ, bảo mẹ là 'bạn ý cười với con, vì chú buộc dây vào bánh xe rồi, bạn ý sẽ không bị trượt xuống đâu mẹ ạ'.


'Ôi đi xe cứu hộ thích quá đi, con muốn Ỉn cũng được đi xe cứu hộ giống con! Mẹ bảo chú đi xe này về nhà bà ngoại cho Ỉn lên xe ngồi một lúc có được không?'


Haizza.. sướng mình là muốn cả làng sướng cùng đây hâhhaa.. Trẻ con thật là bao dung.


WONDER: Những trải nghiệm đầu tiên này luôn được trẻ chiết xuất thành một điều các con tự ý thức được, tự cảm nhận được và có thể trở thành một năng lực nào đó của trẻ. Trải nghiệm tự thân sẽ tạo ra bài học tự thân và năng lực tự thân. Nếu bố mẹ cho các con nhiều trải nghiệm khi nhỏ, rồi một ngày bố mẹ sẽ ngạc nhiên khi nhận ra con có thể làm những việc mà chúng ta không thể ngờ đến, như một điều kỳ diệu vừa diễn ra vậy.


Một ngày đẹp trời, mẹ Mun rất ngạc nhiên khi Mun có thể làm những bài thơ 4 chữ để kể một câu chuyện tưởng tượng rất dài, hay bắt đầu sáng tác những bài hát nho nhỏ.. Tất cả là nhờ bao nhiêu đêm mẹ đọc chuyện và kể truyện cho con, nhờ những bài đồng dao mẹ đọc, những câu hát mẹ tự nghĩ ra để hát cho Mun đi đánh răng, dọn nhà, lau mông...


Và với trẻ, sự kỳ diệu cũng đến với các con khi tạo ra một một vật nào đó mà con đã có hình ảnh bên trong khi nhìn thấy ở một nơi nào đó, ở một thời điểm nào đó. Hay sự kỳ diệu sẽ diễn ra khi con có một thành tựu hoàn tất trong mạch chảy của riêng mình. Hãy nhìn đứa trẻ reo vang và ríu rít kể chuyện sau khi vẽ xong một bức tranh, hay khi các bạn làm được một món thủ công.


Và rất nhiều rất nhiều điều kỳ diệu đang diễn ra mỗi ngày trong đời sống, chỉ có là chúng ta có đang nhận ra chúng để ghi nhận chúng hay không.

Và những khoảnh khắc kỳ diệu này sẽ là nền tảng của năng lực sáng tạo của các con về sau.


Kết thúc chuyến đi thật là vui, tắc đỏ của mẹ đã được vào 'bệnh viện ô tô' và hi vọng là bạn ý không bị các chú 'mổ bụng'. Và Mun thì thầm với mẹ: 'Mẹ ơi, con chưa được đi xe cấp cứu bao giờ'.


Lạy trời để mẹ con mình không phải đi xe cấp cứu con ạ. Mà thật ra là nếu có đi nữa thì mình vẫn vui con nhé :). Và mỗi ngày, hãy hiện diện với những điều kỳ diệu nho nhỏ, như mắt nhắm mắt mở kéo giấy vào sáng sớm, và nhận ra một chiếc nơ xinh đã được cài vào cuộn giấy để trang trí như thế này.


Chúc bạn có những phút giây hiện diện cùng con, để có muôn vàn điều kỳ diệu đến với mình mỗi ngày.




36 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2_Post
bottom of page